Tại sao lại phục hồi được dữ liệu đã xóa trên ổ HDD/SSD?
Cập nhật lần cuối: 07/07/2023
Bình luận
Theo dõi trên
Trên blog của chúng tôi, đã có nhiều bài viết hướng dẫn phục hồi dữ liệu đã bị xóa trên ổ cứng.
Nhưng bạn có biết tại sao dữ liệu đã bị xóa vẫn có thể khôi phục được không?
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu một chút về vấn đề này. Hiểu được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề sẽ giúp bạn khôi phục dữ liệu hiệu quả hơn.
Mục Lục Nội Dung
- #1. Nguyên lý ghi / đọc / xóa của ổ cứng
- #2. Phần mềm khôi phục dữ liệu hoạt động như thế nào?
- #3. Vậy thì yếu tố nào ảnh hưởng đến xác suất khôi phục dữ liệu?
- #4. Cần phải làm gì khi dữ liệu bị xóa nhầm?
- #5. FAQ (câu hỏi thường gặp)
#1. Nguyên lý ghi / đọc / xóa của ổ cứng
+) Khi GHI (write) một file dữ liệu trên ổ cứng thì hệ thống sẽ ghi thực tế file đó trên ổ cứng, sau đó quay về bản FAT (tạm gọi là bản đồ ổ đĩa) ghi lại thông tin như kiểu file này nằm ở vị trí nào, chiếm bao nhiêu ô (block).
+) Khi ĐỌC (read) một file dữ liệu, thay vì tìm kiếm trên toàn bộ ổ đĩa, hệ thống sẽ tìm đến bản FAT (bản đồ ổ đĩa) để xem file đó ở vị trí nào, rồi sau đó đến trực tiếp vị trí đó để đọc file.
Qua đó thì anh em có thể thấy, nhờ có bản FAT mà tốc độ tìm kiếm (truy nhập) file tăng lên khủng khiếp.
Nếu ví von File dữ liệu trên ổ đĩa là những ngôi nhà, còn Folder là những khu phố thì bản FAT chính là bản đồ thành phố.
+) Khi XÓA (delete) một file thì thay vì đi tìm file đó để xóa, hệ thống chỉ quay về bản FAT, xóa tên file đó trên bản FAT (bản đồ đĩa).
Nhiều anh em sẽ hỏi tại sao không đi xóa trực tiếp file trên ổ đĩa.
Vấn đề là không cần thiết, hệ thống chỉ cần xóa trên bản FAT, phần đĩa cứng bị chiếm dụng của file đó sẽ được đánh dấu là “đất hoang” (free) và lần tới, hệ thống muốn ghi file mới chỉ cần ghi đè lên phần đất hoang đó là được.
Chính vì thế, anh em nào tinh tế sẽ để ý thấy là quá trình xóa file/folder rất nhanh nếu so sánh với quá trình ghi File/Folder.
#2. Phần mềm khôi phục dữ liệu hoạt động như thế nào?
Okay, qua quá trình phân tích bên trên thì anh em có thể thấy, file không thực sự bị xóa, nó vẫn nằm trên ổ đĩa.
Phần mềm khôi phục sẽ làm gì?
Vâng, nó sẽ bỏ qua không đọc bản FAT (bản đồ ổ đĩa) mà trực tiếp quét trên ổ đĩa, tìm ra các file thực sự, vì thế quá trình này khá là mất thời gian.
Phần mềm khôi phục dữ liệu giống như các cán bộ địa chính vậy, cần mẫn đi đo đạc thực tế từng khu phố, căn hộ này là của anh A, biệt thự này là của anh B…. từ đó khôi phục bản đồ chuẩn của thành phố.
Với một phần mềm tiêu chuẩn, kỹ năng tiêu chuẩn… thì xác suất khôi phục dữ liệu bị xóa tiệm cận 100%.
#3. Vậy thì yếu tố nào ảnh hưởng đến xác suất khôi phục dữ liệu?
Như chúng ta vừa phân tích bên trên, khi file bị xóa, hệ thống chỉ xóa thông tin ở bản FAT, chứ dữ liệu thì vẫn còn đó, nhưng vùng đất này đã được đánh đấu là “đất hoang” (free), đang sẵn sàng cho một lệnh ghi đè tiếp tới.
Nếu có bất kỳ lệnh ghi đè nào lên vùng “đất hoang” này thì khả năng khôi phục gần như bằng 0.
Đây cũng chính là phương pháp các trung tâm tài chính, quân đội, tình báo… dùng để tránh dữ liệu của họ bị khôi phục và dữ liệu bị dò rỉ ra ngoài:
Ghi đè (tất nhiên, phương án ghi đè của họ rất cao minh, nhưng về cơ bản là thế). Các phần mềm xóa dữ liệu vĩnh viễn cũng áp dụng phương pháp ghi đè nhiều lần !
Lỗi mà nhiều anh em gặp phải là lại cài phần khôi phục dữ liệu lên chính phân vùng ổ cứng đang có dữ liệu cần khôi phục.
Lỗi này nhiều anh em mắc phải, ngay cả cao thủ đi khôi phục dữ liệu cũng không phải là ngoại lệ.
Ví dụ ổ cứng cần khôi phục là ổ C, thay vì cài phần mềm lên phân vùng khác thì họ lại cài luôn phần mềm khôi phục lên ổ C.
Điều này vô tình khiến chính phần mềm khôi phục dữ liệu lại ghi đè lên những file đã bị xóa, khiến khả năng khôi phục được thấp hơn rất nhiều, hoặc file khôi phục được mở ra toàn … rác.
#4. Cần phải làm gì khi dữ liệu bị xóa nhầm?
Ngừng sử dụng máy tính, các bạn ngừng càng sớm thì xác suất khôi phục được dữ liệu càng cao.
Backup ổ cứng có dữ liệu cần khôi phục (dùng phần mềm Disk Image hoặc Disk Clone) để trong trường hợp thất bại, cao thủ đến sau vẫn có cơ hội phục hồi được.
Cái này mình thường chỉ thấy cao thủ họ làm, chứ người dùng thường làm biếng hay bỏ qua bước này.
Sử dụng phần mềm khôi phục từ USB cứu hộ, hoặc bản Portable (bản dùng luôn mà không cần cài đặt).
Và rất quan trọng nữa là, bạn hãy chọn ổ cứng rời hoặc USB làm ổ chứa dữ liệu sau phục hồi nhé.
Hiện tại mình đã mở cửa Blog Chia Sẻ Kiến Thức Store ! – bán phần mềm trả phí với mức giá siêu rẻ – chỉ từ 180.000đ (bản quyền vĩnh viễn Windows 10/11, Office 365, 2021, 2016… và nhiều phần mềm bản quyền khác). Bảo hành full thời gian sử dụng nhé !
#5. FAQ (câu hỏi thường gặp)
5.1) Ổ cứng bị format nhiều lần, liệu có cứu được dữ liệu không?
Câu trả lời: Được, bản chất của Format là xóa bản FAT (bản đồ ổ đĩa), Format nhiều lần là xóa đi xóa lại bản FAT đó thôi, chưa hề động chạm đến dữ liệu thực tế trên ổ cứng.
5.2. Tôi Format ổ cứng rồi cài lại Windows, bây giờ tôi muốn cứu dữ liệu có được không?
Câu trả lời: Vẫn được, nhưng xác suất khôi phục được đã thấp hơn rất nhiều, những file đã bị bộ cài Windows ghi đè lên e là không cứu được.
Tác giả: @Huy Pham – NghienTech
Edit by Kiên Nguyễn